Khi người dân thu hoạch lúa, cũng là mùa “hốt bạc” của các tay “thợ săn” chuột đồng ở miền Tây. Chuột đồng đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng và quán sá được nhiều thực khách ưa chuộng.

Những năm gần đây, săn bắt chuột đồng đã trở thành nghề tay trái của nhiều lao động ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Săn bắt chuột đồng tuy có thể thực hiện quanh năm, nhưng sôi nổi nhất vẫn là vào lúc thu hoạch lúa.

Hiện, bà con nông dân ở miền Tây đang tất bật thu hoạch lúa vụ 3 còn gọi là lúa Thu Đông, đây cũng là lúc nghề săn chuột đồng nhộn nhịp kéo dài đến đầu vụ Đông Xuân.

Nghề săn chuột đồng chẳng kén thợ, chỉ cần chạy nhanh, nhanh tay, lẹ mắt là có thể gia nhập hội. Thế nên, ngoài những chú bác U40, U50, thanh niên còn có mấy đứa trẻ con chừng 8,9 tuổi đã biết ra đồng săn “ông tý”.

Ông Ngô Văn Quyền- tay “thợ săn” chuột đồng kỳ cựu ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ cho biết, có rất nhiều cách để bắt chuột đồng mùa nước nổi như đào hang, đổ nước, xông khói, dùng chĩa đâm, dùng dàn thun bắn những con chuột ở trên cây cao, nhưng phổ biến nhất vẫn là chạy theo máy cắt lúa bắt chuột bằng tay không.

Cách bắt chuột này rất đơn giản, người dân chỉ cần chạy theo máy cắt, khi máy cắt lúa di chuyển tới đâu chuột bị “động ổ” sẽ bò tứ tung ra ngoài, người bắt chuột chỉ việc quan sát và thao tác thật nhanh để chụp lấy con mồi.

“Chụp chuột theo lúa thường theo lối phán đoán. Người “thợ” phải quan sát thật kỹ vạt lúa lúc chuẩn bị cắt xong, xem hướng đi của chuột. Sau đó nhào vào nhanh tay chụp chuột đang chạy ra sau vạt lúa vừa mới cắt.

Người nào tinh mắt, chụp nhanh thì bắt được trên chục ký chuột đồng/ngày, còn ai chậm tay, chưa thành thạo thì chỉ bắt được khoảng 2-3kg/ngày”, ông Quyền chia sẻ.

Ít tuổi nghề hơn ông Quyền, anh Mai Văn Hòa (25 tuổi, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) cho hay, chuột trú ẩn ở ruộng lúa nhưng không phải ruộng nào cũng có chuột.

Chúng thường sinh sống ở những ruộng lúa có gò đất cao, không ngập nước, đặc biệt những thửa ruộng thu hoạch sau cùng thường có nhiều chuột hơn hẳn. Năm nay, do dịch bệnh nên cắt lúa hơi trễ, nước dâng lên khiến chuột trốn sang nơi khác, số lượng chuột bắt được cũng ít hơn mọi năm.

“Từ thời điểm này cho đến đầu vụ Đông Xuân là lúc nghề bắt chuột rôm rả nhất, khi cắt lúa xong, nước lũ tràn về chuột không có chỗ trú ẩn nên chúng phải tìm các gò đất cao. Lúc đó, chúng tôi có thể đi men theo bờ đào hang hoặc đặt bẫy chuột”, anh Hòa nói thêm.

Thịt chuột vài năm trở lại đây đã trở thành món ăn đặc sản được nhà hàng, quán nhậu ở miền Tây ưa chuộng, được chế biến thành nhiều món khác nhau như: quay lu, nướng mọi, khìa nước dừa, xào củ kiệu…

Chuột sống được thương lái thu mua với giá từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg nên có rất nhiều người sắm đồ nghề lùng sục khắp các cánh đồng để săn bắt chuột. Nếu trúng vụ, nông dân có thể kiếm từ 100.000 đến 200.000 đồng/ngày từ việc bán chuột sống cho thương lái.

Sức hút từ món ăn dân dã đã tạo nên nghề “tay trái” cho bà con nông dân, bắt chuột đồng vừa giúp nhà nông có thêm thu nhập lúc nông nhàn, vừa góp phần bảo vệ mùa màng.

Bảo Kỳ (dantri)

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on vk
VK
Share on tumblr
Tumblr